Ổ vi trùng bồn nước ở các chung cư Sài Gòn
Hữu Doanh Nguyễn
Thứ Bảy,
14/12/2024
Nội dung bài viết Lỗi giao diện: file 'snippets/icon-arrow.bwt' không được tìm thấy
Việc sử dụng bồn, bể chứa nước để sinh hoạt rất phổ biến tại các hộ dân, chung cư ở TP.HCM.
Thế nhưng, do công tác vệ sinh không đảm bảo, dẫn đến bồn, bể chứa thành ổ chứa vi khuẩn, là nguy cơ gây dịch bệnh trong dân cư.
Theo bác sĩ Lê Văn Nhân, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2016 trung tâm đã lấy 193 mẫu tại 13 cơ sở cung cấp nước có công suất thiết kế từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên thì có đến 37 mẫu không đạt quy chuẩn (QCVN 01:2009/BYT) về chỉ tiêu hóa lý: pH, clo dư, HL sắt tổng số, HL clorua, chỉ số pecmanganat (chỉ số này cao thì chứng tỏ nước đã bị ô nhiễm chất hữu cơ); lấy 419 mẫu nước tại 141 cơ sở cung cấp có công suất dưới 1.000 m3/ngày đêm thì 137 mẫu không đạt về hóa lý, 18% (76 mẫu) không đạt về vi sinh.
Trong 405 mẫu nước lấy tại nhà dân, có 47 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý và 2 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh; 601 mẫu nước tại chung cư (CC) có 6 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý và đến 31 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh ở 23 CC.
Mặc dù nước tại các nhà máy nước đạt 100% chỉ tiêu về hóa lý, vi sinh nhưng qua kiểm tra cho thấy nước tại các hộ gia đình, các điểm cung cấp thì không đạt chỉ tiêu.
“Ai cũng chết khiếp”
Một trong những CC có nguồn nước không đảm bảo, chỉ tiêu về vi khuẩn coliform và e.coli (2 loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột) vượt quá quy định là CC số 151 - 173 Nguyễn Tri Phương (Q.10).
Ông Huỳnh Kiếm Dân (sống ở lô B4 CC Nguyễn Tri Phương) cho hay, 16 hộ dân ở B4 đều sử dụng nguồn nước này.
Theo đó, nước máy được chảy về hầm chứa rồi bơm lên bể ở tầng thượng, sau đó mới chảy về vòi tại các hộ dân. Do CC không có ban quản lý nên việc sử dụng nước kiểu “mạnh ai nấy xài”. Việc vệ sinh hầm chứa nước cũng ít được thực hiện.
“Nhiều năm sống ở đây tôi không hề nghe nói nước ở CC không đạt chuẩn. Cách đây không lâu có người tới lấy mẫu đi xét nghiệm thì cư dân mới biết. Giải pháp khắc phục là tới đây các hộ dân hùn tiền mua thùng inox để chứa nước thay cho hầm xi măng”, ông Dân nói.
Người dân dùng vải bọc các đầu vòi nước để lọc cặn |
Là người trực tiếp tham gia súc rửa hầm chứa nước, ông Lê Vi Huyền (CC Nguyễn Tri Phương) cho hay gần đây cứ 2 - 3 tháng việc vệ sinh hầm chứa nước ở các lô diễn ra một lần. Tuy nhiên, do hầm được xây cách đây hơn 25 năm, lại bằng xi măng nên không thể làm sạch hết được.
“Mỗi lần súc rửa, nước trong hầm vàng khè khiến ai cũng chết khiếp. Nước ở CC nhiễm khuẩn là do chứa trong hầm chứ không phải từ đầu nguồn. Gia đình tôi chỉ dùng nước ở CC để tắm giặt, chứ ăn uống phải mua các thùng nước suối về sử dụng”, ông Huyền kể.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hầm chứa nước của lô B4 có thể tích khoảng 10 m3, nằm dưới ngay chân cầu thang. Khi mở nắp hầm, bằng mắt thường có thể thấy nước trong hầm không sạch, chứa nhiều bụi bặm.
Tại CC Nhiêu Lộc B, P.Phú Trung (Q.Tân Phú), mặc dù được sử dụng nguồn nước máy nhưng hầu hết người dân sinh sống nơi đây đều phải dùng bình lọc mới dám ăn uống. Anh Tuấn, ngụ tầng 3 CC này, cho biết cứ khoảng 2 tuần anh phải súc rửa bộ lọc nước một lần vì “nó rất nhanh bẩn”. Để chứng minh lời mình nói, anh Tuấn đưa chúng tôi xem bộ lọc nước đóng một lớp dày màu vàng khè, sờ tay thấy nhơn nhớt.
Tương tự, tại CC An Sương, P.Tân Hưng Thuận (Q.12), nhiều người dân nơi đây cũng phản ánh nước có màu vàng, đục. Để sử dụng ăn uống, các hộ dân phải lọc qua bình lọc mới dám dùng. Thậm chí, nhiều người còn dùng vải bọc các đầu vòi nước để lọc cặn.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng ban quản trị CC, cho biết cứ 6 tháng ban quản trị lại trích tiền để thuê thợ súc rửa bể nước. Mỗi lần súc xả đều có rất nhiều chất cặn bẩn đóng lớp dày dưới đáy bể được lấy ra, mùi rất hôi.
Ông Hòa nhìn nhận do bể được làm ngầm dưới đất nhưng không được dán lớp gạch men bên trong mà chỉ là bể xi măng bình thường, nên nhiều khả năng bể bị thấm ngược từ bên ngoài vào. Hơn nữa, miệng bể được thiết kế sát mặt đất nên khả năng kiến, gián chui vào bể là khó tránh khỏi.
Tại các CC cũ, tái định cư, người dân cũng hết sức lo lắng về chất lượng nguồn nước sinh hoạt sau khi qua công đoạn trung gian là tích trữ ở bể chứa.
Căn hộ của anh Quang Huy tại CC 12 ha P.An Phú (Q.2) nằm ngay phía dưới bể chứa nước bằng bê tông. “Tôi về đây ở 3 năm rồi không thấy súc rửa bồn chứa gì cả. Lối leo lên bồn chứa cứ bị khóa chặt hoài nên không ai biết trên đó dơ bẩn đến mức độ nào”, anh Huy lo lắng.
Anh Trường Hoàng, ở CC Bình Trưng Đông, P.Bình Trưng Đông (Q.2), cũng lo lắng không kém “vì cả năm không thấy ai súc rửa bồn chứa, nước có lúc đục ngầu, nhiễm phèn và áo quần sau vài lần giặt đều bị úa màu”.
Nhơn nhớt là “ổ vi khuẩn đường ruột”
Theo bác sĩ Lê Văn Nhân, QCVN 01:2009/BYT quy định pH trong nước là từ 6,5 - 8,5 nhưng nếu giảm quá nhiều như dưới 4 chẳng hạn thì sẽ gây rối loạn tiêu hóa, ngứa ngoài da, hư men răng... cho người sử dụng và làm vật dụng, quần áo mau hư hỏng.
Tương tự, nước nhiễm vi sinh coliform và e.coli chứng tỏ đã bị nhiễm phân người hoặc phân súc vật và có thể dẫn đến chứa vi khuẩn đường ruột khác (tả, lỵ, thương hàn...).
Trong khi đó, ông Nguyen Leo Long, chuyên gia của Hiệp hội Chất lượng nước Hoa Kỳ (WQA), phân tích nguồn nước không đảm bảo vệ sinh là nguy cơ gây ra nhiều thứ bệnh tật.
“Chính vì người dân không có điều kiện để hiểu hết chất lượng nguồn nước của mình nên họ cứ sử dụng. Nước máy TP theo chuẩn của quốc gia đã được xử lý clo, sát khuẩn ngay từ trung tâm xử lý nước. Nhưng khi vào bồn chứa với điều kiện nóng ẩm như thế thì lượng clo bốc hơi rất nhanh. Khi clo không còn trong bồn nước nữa thì đó là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn khuếch tán từ trong không khí, trong đó có 2 dạng vi khuẩn e.coli và salmonella (cũng là loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột) phát triển rất nhanh, tốc độ trong một giờ có thể có hàng trăm ngàn trứng vi khuẩn sinh sản và bám vào thành bồn. Chúng ta thường hay thấy nhớt nhớt và thấy có cáu đen 2 bên thành bồn. Khi sờ vào thì vô tình chúng ta đang chạm vào hàng triệu trứng vi khuẩn được đẻ ra, sinh sôi nảy nở”, ông Long nói.
Hầm chứa nước ở chung cư trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10) nằm ở chân cầu thang nên dễ nhiễm khuẩn Ảnh: Trung Hiếu
Cũng theo ông Long, ông từng làm một thí nghiệm nhỏ là lấy một lá cải đưa vào nguồn nước rửa và đưa lên kính hiển vi để xem thì thấy hàng triệu vi khuẩn lúc nhúc ở trên bề mặt lá.
“Bản thân người trồng rau có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lượng vi khuẩn trong rau khi đến tay người tiêu dùng không nhiều, mà vi khuẩn nhiều là do nguồn nước nhiễm khuẩn trong bồn chứa. Càng rửa thì vi khuẩn trong bồn sẽ càng bám vào bề mặt thực phẩm mà chúng ta dùng mỗi ngày dẫn đến bị bệnh đường ruột. Ví như người sử dụng nguồn nước đó mà rửa rau sống để ăn, thì đã vô tình ăn sống luôn vi khuẩn mà không hay biết”, ông Long khuyến cáo.
Nguồn: Báo Thanh Niên